Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tăng cường các biện pháp đảm bảo cung cầu thị trường, hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng (Công văn số 6883/UBND-CT ngày 03/8/2020)
Ngày cập nhật 05/08/2020

Hiện nay, dịch bệnh Covid - 19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Để phục vụ nhu cầu của người dân, chủ động ứng phó với dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 6883/UBND-CT ngày 03/8/2020 chỉ đạo tăng cường các biện pháp đảm bảo cung cầu thị trường, hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Sở Công Thương phối hợp UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 2225/QĐ-BCĐ ngày 28/5/2020 của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID - 19 về hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng; tổ chức kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện trước ngày 06/8/2020.

2. Sở Công thương

-Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường; rà soát, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu. Chỉ đạo các Doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, các Ban quản lý chợ tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, căn cứ tình hình thực tế xây dựng kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu để cung ứng đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý và chất lượng đảm bảo, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá.

- Xây dựng kế hoạch dự báo các tình huống xảy ra của dịch bệnh Covid-19 làm cơ sở dự tính nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, đảm bảo cung ứng đủ số lượng lương thực, thực phẩm cần thiết.

-Phối hợp UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế nắm thông tin để xác định những địa điểm có thể xảy ra biến động thị trường hàng hóa nhằm kịp thời điều tiết, phục vụ người dân; phối hợp Ban Chỉ đạo 398/TTH, Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá...

-Triển khai các giải pháp đảm bảo nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly (nếu có); đẩy mạnh các hình thức mua bán hàng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân.

3. Ban Chỉ đạo 389/TTH tỉnh phối hợp giữa các lực lượng trong Ban Chỉ đạo chủ động triển khai các biện pháp để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ giá cả, cung cầu các mặt hàng ảnh hưởng đến an toàn xã hội, hàng tiêu dùng thiết yếu.

4. Cục Quản lý thị trường

-Chủ trì, phối hợp Sở Công thương theo dõi diễn biến tình hình thị trường, vận động doanh nghiệp và các đơn vị phối hợp triển khai ngay các biện pháp đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh; kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối xử lý khó khăn vướng mắc trong quá trình cung ứng hàng hóa.

-Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân.

5. Các Doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, Ban quản lý chợ

-Chủ động xây dựng kế hoạch kết nối với các kho hàng dự trữ đầu mối để đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng.

-Có kế hoạch điều tiết hàng hóa giữa các khu vực, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, đảm bảo số lượng, chất lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân. Đẩy mạnh các hình thức mua bán hàng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân.

-Phối hợp Sở Công thương xây dựng kế hoạch dự báo các tình huống xảy ra của dịch bệnh Covid-19 làm cơ sở dự tính nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, đảm bảo cung ứng đủ số lượng lương thực, thực phẩm cần thiết.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế

-Chủ động phối hợp Sở Công thương có phương án bố trí các điểm bán hàng (tạm thời, lưu động...) trên địa bàn để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân thường xuyên, liên tục nhằm hạn chế người mua đến các điểm bán hàng, khi có dịch bệnh xảy ra.

-Cung cấp thông tin kịp thời những địa điểm có thể xảy ra biến động thị trường hàng hóa trên địa bàn quản lý.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu.

8. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình, Cổng Thông tin điện tử tỉnh kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác, công khai, minh bạch, khách quan về diễn biến tình hình dịch bệnh, việc sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, thị trường, nguồn cung, giá thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân; kiểm soát, xử lý nghiêm các thông tin không chính thống, sai sự thật gây hoang mang cho người dân và bất ổn thị trường.

9. Sở Công thương phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh theo dõi, cập nhật tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh trước 15h30 hằng ngày.

Yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai tổ chức thực hiện./.

(Có tệp đính kèm)

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 909.798
Truy cập hiện tại 80