Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hướng dẫn một số nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2020
Ngày cập nhật 28/04/2020

Ngày 20/4/2020 Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành văn bản số 3262/UBND-TTr về việc hướng dẫn một số nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020, cụ thể như sau:

1. Phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp

- Căn cứ kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Chỉ thị số 32-CT/TW), đề nghị các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng yêu cầu đặt ra của công tác này trong tình hình mới và nhiệm vụ chính trị của các Ban, ngành; bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả tổng kết (sau khi Ban Bí thư và Ban Thường vụ Tỉnh ủy có ý kiến).

- Về Chương trình phối hợp số 05-CTr/CCTP-PBGDPL ngày 15/4/2016 của Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp và Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh về phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp giai đoạn 2016 - 2020, đề nghị các cơ quan, địa phương thực hiện theo Báo cáo số 33-BC/BCĐ ngày 12/3/2020 của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

2. Tuyên truyền, phổ biến các pháp luật mới

Căn cứ điều kiện, tình hình thực tiễn và định hướng nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật được xác định tại Kế hoạch số 268/KH-UBND ngày 26/12/2019, Công văn số 944/UBND-TTr ngày 12/02/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2020, đề nghị các Sở, Ban, ngành, đoàn thể triển khai công tác này đi vào chiều sâu, thực chất, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, Nhân dân và yêu cầu quản lý nhà nước. Trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh mới được thông qua, trong đó chú trọng Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin và các chính sách, pháp luật khác liên quan đến an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, các lĩnh vực pháp luật được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề nổi cộm, liên quan trực tiếp đến từng đối tượng, địa bàn cụ thể.

Đối tượng cần tập trung ưu tiên phổ biến là đối tượng đặc thù theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật mà trọng tâm là người dân tộc thiểu số, người dân tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; học sinh, sinh viên.

Đặc biệt, để tiếp tục đồng hành cùng cả nước trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đề nghị các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của cơ quan chức năng, trong đó có Công văn số 1072/UBND-TTr ngày 17/02/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

3. Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp

4. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin gắn với triển khai có hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021” (Đề án 471)

- Tiếp tục tăng cường hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với triển khai hiệu quả Đề án 471; tập trung triển khai việc xây dựng, vận hành Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế; biên soạn, đăng tải, cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu pháp luật liên quan trên Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật. Chú trọng phát huy vai trò của mạng xã hội tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân.

- Phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng trong phổ biến các lĩnh vực pháp luật thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với Sở Tư pháp, cơ quan, tổ chức liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực, chủ động viết tin, bài về thực tiễn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và gửi Sở Tư pháp (qua địa chỉ email: tttan.stp@thuathienhue.gov.vn) để làm phong phú nội dung Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, chia sẻ thông tin trong tỉnh.

5. Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường

Tăng cường phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy, học tập môn học pháp luật và giáo dục công dân; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy môn Giáo dục công dân, pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng video bài giảng online, trong bối cảnh học sinh tạm nghỉ học do Covid -19. Đề nghị Trường Cao đẳng Y tế Huế hưởng ứng, tạo điều kiện cho 05 sinh viên của Trường đủ điều kiện tích cực dự thi Vòng bán kết và Vòng chung kết Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật “Pháp luật học đường”.

6. Triển khai thực hiện Thông tư  số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 quy định về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật (Thông tư số 10/2016/TT-BTP)

Đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, thường xuyên rà soát năng lực và hiệu quả công tác của từng báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật để đánh giá, phân loại, kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ này. Định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, nhất là kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đối tượng đặc thù, bám sát nội dung tại Quyết định số 3147/QĐ-BTP ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đối với các địa phương có số lượng lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số; phân công báo cáo viên pháp luật phụ trách theo từng địa bàn, đối tượng và lĩnh vực pháp luật cụ thể. 

Phát động, tổ chức, tham gia tích cực Cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi” theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

7. Triển khai Thông tư số 03/2018/TT-BTP ngày 10/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (Thông tư số 03/2018/TT-BTP)

Sở Tư pháp tổng hợp kết quả đánh giá, chấm điểm năm 2019 đối với từng tiêu chí, chỉ tiêu thành phần của ngành, địa phương. Đồng thời, tiếp tục tham mưu triển khai việc đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2020 theo quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BTP.

 Để việc đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm tính khả thi, có chất lượng, Sở Tư pháp nghiên cứu, rà soát, đánh giá, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư số 03/2018/TT-BTP và đề xuất cấp có thẩm quyền những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

8. Hướng dẫn hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 09/11

Để Ngày Pháp luật năm 2020 tiếp tục được tổ chức đi vào chiều sâu, lan tỏa hiệu ứng tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật rộng rãi trong Nhân dân, đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương có văn bản hướng dẫn và chủ động, linh hoạt tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật với định hướng sau đây:

- Về nội dung, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam, lựa chọn nội dung pháp luật để thông tin, phổ biến thiết thực, phù hợp, trong đó tập trung vào giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật; nội dung cơ bản của các luật, pháp lệnh, văn bản mới ban hành có hiệu lực năm 2019, năm 2020; các dự thảo chính sách, quy định của pháp luật có nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; những vấn đề dư luận người dân, xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, vấn đề nóng trong xã hội, trọng tâm là các lĩnh vực: cải cách hành chính; lao động; đầu tư; phòng, chống tham nhũng; lãng phí; khiếu nại, tố cáo; bảo vệ môi trường; đất đai; an toàn thực phẩm; phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ, phòng, chống tác hại của rượu bia, thuốc lá; giao thông đường bộ; biên giới, hải đảo; xử lý vi phạm hành chính; các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia là thành viên có liên quan…

- Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật tập trung tổ chức trong tháng cao điểm, bắt đầu từ ngày 15/10/2020 đến ngày 15/11/2020.  Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể chủ động lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật; tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai và tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện trong Báo cáo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2020 gửi về Sở Tư pháp./.

(Theo https://stp.thuathienhue.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 835.878
Truy cập hiện tại 110